'Chạy' dự án làm rối loạn thị trường bất động sản

'Chạy' dự án làm rối loạn thị trường bất động sản

'Chạy' dự án làm rối loạn thị trường bất động sản Đại biểu Quốc hội cho rằng việc người kinh doanh "chạy chọt" cơ chế để được hưởng dự án, sau đó bán chênh đã làm rối thị trường diễn ra nhiều năm qua và cần sớm loại trừ.
  • Đất đô thị như gà đẻ trứng vàng vào túi tư nhân

Hàng loạt bất cập của thị trường được các đại biểu nêu ra khi Quốc hội thảo luận về Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ngày 18/6, chủ yếu xoay quanh câu chuyện quỹ đầu tư bất động sản, điều kiện mua nhà cho việt kiều, người nước ngoài, trong đó câu chuyện kinh doanh cơ chế, mua bán dự án nhằm đẩy giá lên cao...

Khẳng định vai trò lớn của nhà kinh doanh bất động sản đối với nền kinh tế hiện nay, song theo đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), bên cạnh những nhà kinh doanh lành mạnh còn không ít đối tượng dựa hơi địa ốc để trục lợi. Theo ông Lịch, những người tạo ra bộ mặt đô thị, tạo thị trường lành mạnh cần được Nhà nước khuyến khích. Ngược lại, các đối tượng chuyên môn nâng giá, chạy dự án rồi chuyển nhượng kiếm lời và kinh doanh cơ chế cần diệt trừ. "Đối tượng này vừa làm hại thị trường, vừa làm hư bộ máy nhà nước, phải làm sao loại đi", đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn. 

Vị đại biểu Quốc hội đồng thời là chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có quy định chặt chẽ đối với đối tượng kinh doanh cơ chế bất động sản để tránh tình trạng chuyển nhượng, chạy chọt dự án.

dat-dai12-1864-1403147035.jpg

Chạy chọt dự án làm rối thị trường bất động sản. Ảnh: Hoàng Lan

Ông Lịch nhấn mạnh, một trong những điểm bất cập lớn  hiện nay là thị trường bất động sản Việt Nam đang hình thành các khu dân cư, khu đô thị bỏ hoang, không ai xây dựng. Không chỉ có vậy, hàng loạt khu đất nông nghiệp cũng biến thành đất hoang. Do đó, Luật sửa đổi lần này cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của nhà đầu tư nhất là vấn đề triển khai dự án, tiến độ cam kết của chủ đầu tư.

"Tôi xin nói lại, khi có quy hoạch 1/500 ai xây dựng bên trong không quan trọng, vấn đề phân lô, bán nền, ai xây không quan trọng, quan trọng nhất là tiến độ và quy hoạch", ông Lịch bày tỏ.

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật có đưa ra yêu cầu khá nghiêm ngặt đối với chủ đầu tư dự án bất động sản nhưng lại chưa đưa ra quy định rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể được thay mặt Nhà nước đảm nhiệm vấn đề tư vấn, cấp phép, phê duyệt dự án. Đại biểu Thị Minh (Quảng Ninh) kiến nghị cần xử lý nghiêm các cá nhân tập thể cũng như cơ quan quản lý khi để thị trường bất động sản phát triển theo phong trào, gây lãng phí.

Bà Minh dẫn chứng, một doanh nghiệp xin xây 500 căn hộ cao cấp, chủ đầu tư khác cũng đề xuất tương tự và chỉ có cơ quan quản lý biết điều này. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không chịu tư vấn hoặc yêu cầu doanh nghiệp tiếp sau phải điều chỉnh khiến thị trường căn hộ cao cấp dư thừa. "Chủ đầu tư ban bị tồn đọng hàng hóa, bị ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh doanh thì người được giao thẩm quyền phê duyệt, tư vấn, cấp phép, thẩm định lại không chịu trách nhiệm gì thì khó chấp nhận", bà Ninh nói.

Đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ban soạn thảo cần thiết kế thêm một điều mới quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể được Nhà nước giao nhiệm vụ tư vấn, phê duyệt, cấp phép, thẩm định các dự án đầu tư bất động sản đưa vào kinh doanh trong dự án luật này.

Thị trường bất động sản vừa qua chứng kiến nhiều cơn sốt ảo do nhiều nhà đầu tư thổi giá, trong đó điển hình là cơn sốt Ba Vì. Giá đất bị đẩy cao nhiều lần, tuy nhiên, sau một thời làm mưa làm gió trên thị trường địa ốc giờ yên ắng trở lại khi nơi đây không được chọn là trung tâm hành chính quốc gia. Nhà đầu tư khôn ngoan đã lướt nhanh, người chậm chân chỉ còn biết ôm hàng ngậm ngùi.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, hiện tượng đầu tư bất động sản, bán chênh lệch giá đã diễn ra nhiều năm đã dẫn đến tình trạng lệch pha về cung cầu, đóng băng bất động sản. Do đó, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần phải làm rõ về vai trò của Chính phủ, trong đó quản lý "đầu ra" của thị trường bất động sản. Nhà nước phải quản  quy hoạch và kế hoạch thực hiện cũng như thông qua việc thu thuế trên các sản phẩm của bất động sản để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh ( Hà Nội), việc quy định vốn pháp định khi đăng ký kinh doanh bất động sản không được thấp hơn 50 tỷ đồng là rất cần thiết. Điều này sẽ tránh tình trạng nhiều chủ đầu tư không có năng lực thực sự về tài chính vẫn huy động vốn "tay không bắt giặc", dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy cho người tham gia và làm rối loạn thị trường.

Hoàng Lan

, ,

Previous
Next Post »