Cảnh giác với lạm phát thấp

Cảnh giác với lạm phát thấp

Cảnh giác với lạm phát thấp Lạm phát 2 tháng đầu năm thấp nhất 5 năm qua là một chỉ báo đáng lo ngại hơn về niềm tin người tiêu dùng và sức khỏe nền kinh tế.
  • Ngân hàng Việt Nam dự báo lạm phát 2014 dưới 7% / 'Kiểm soát lạm phát phải như giải phương trình'

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm nay tăng 0,55% so với tháng trước - thấp nhất so với cùng kỳ 5 năm qua, khiến giá cả 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,24%. 

tieu-dung-7530-1393499461.jpg

Chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát thấp trong tháng Tết chưa phải là điều đáng mừng. Ảnh: B.H

Cơ quan thống kê nhận định, một trong những nguyên nhân khiến giá cả tháng Tết năm nay tăng thấp là nhu cầu của thị trường vẫn yếu. Báo cáo mới công bố của ngân hàng HSBC nhận định số liệu CPI tháng 2 cho thấy người tiêu dùng chỉ dành tiền tiêu vào những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, trong khi đang cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng gia dụng và may mặc.

"Việc người tiêu dùng nản chí đã giải thích cho hành vi cẩn trọng của người Việt Nam trong thời điểm Tết Nguyên Đán vừa qua, đi ngược lại với những gì đã diễn ra trong những năm trước khi mà thời điểm lễ lạt thường thúc đẩy CPI tăng đột biến", HSBC phân tích.

Tiến sĩ Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia nhìn nhận lạm phát xuống quá thấp thể hiện tổng cầu quá yếu, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm tăng 11,6% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,2%. Nếu tính cùng kỳ 5 năm trở lại đây, ngoại trừ năm 2013, đây là năm có nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp nhất.

"Điều này phản ánh cầu của nền kinh tế chưa trở về bình thường vì trước đây tổng mức hàng hóa bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân cũng phải tăng 7-8% sau khi loại trừ yếu tố giá", tiến sĩ Lê Đình Ân nhận xét.

thang-2-JPG-9802-1393499461.jpg

Đơn vị: %. Nguồn: GSO

Tổng cầu không tăng gây ảnh hưởng đến đến sản xuất và tăng trưởng, bởi tiêu dùng chiếm khoảng 75% giá trị GDP, vị chuyên gia này lý giải. Nghiên cứu của HSBC cũng cho biết tăng trưởng kinh tế thực đã thấp hơn mức tiềm năng suốt từ năm 2011 và sẽ còn kéo dài đến năm 2015. "Trong khi GDP quý IV/2013 tăng lên 6%, từ mức 5,5% trong quý III thì các điều kiện nội địa ở Việt Nam tiếp tục suy yếu do bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ lớn vẫn treo lơ lửng và tốc độ cải thiện lĩnh vực dịch vụ chậm chạp", báo cáo của HSBC chỉ rõ.

Tiến sĩ Lê Đình Ân nhận định GDP quý I năm nay sẽ không duy trì được mức tăng như ba quý cuối của năm 2013. "GDP quý I/2014 có khả năng tăng cao hơn cùng kỳ, nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn quý cuối năm ngoái", ông khẳng định.

Không chỉ vậy, việc đầu tư và chi tiêu thiếu hiệu quả trong thời gian quá dài sẽ giáng đòn mạnh nền kinh tế, gây ra những hậu quả như nhu cầu lao động giảm sút, tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức tăng lên, khiến nhiều hộ gia đình khó chống đỡ trước các cú sốc kinh tế. Tốc độ cải cách chậm chạp cũng sẽ làm mất niềm tin của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung.

Năm 2013, cả nước đã có hơn 60.700 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước, trong khi quy mô doanh nghiệp xin gia nhập thị trường ngày càng thấp đi. Sang tháng đầu năm, số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết có thêm gàn 9.000 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013.

Do vậy, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng cần tập trung cải cách nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, từ đó lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo sản xuất kinh doanh 2014 ấm dần.

Phương Linh

, ,

Previous
Next Post »