Chân dung người phụ nữ hiện đại trong 'Vé một lượt'

Chân dung người phụ nữ hiện đại trong 'Vé một lượt'

Chân dung người phụ nữ hiện đại trong 'Vé một lượt'

Các nhà phê bình nhận định, tập thơ "Vé một lượt" của Đoàn Ngọc Thu chứa chan xúc cảm về tình mẫu tử, tình đời, thế sự và đẹp nhất là những bài về tình yêu.

  • Ở một mình (thơ Đoàn Ngọc Thu) / Lượm từ cổ tích (thơ Đoàn Ngọc Thu)

Đoàn Ngọc Thu là nhà thơ, nhà báo. Chị từng phát hành 4 tập thơ, Vé một lượt là tác phẩm mới nhất của nữ sĩ.

body-Ve-1-luot-4245-1400323311.png

Trang bìa tập thơ Vé một lượt.

Cuốn sách gồm 57 bài thơ, được minh họa bởi các bức tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương. Mọi thiết kế, trình bày và chất liệu giấy của Vé một lượt đều theo phong cách tối giản nhưng gợi mở. Có lẽ sau Vi Thùy Linh, Đoàn Ngọc Thu là người in sách đẹp trong làng thơ hiện nay.

Đọc Vé một lượt, có thể bắt gặp ở đó những tâm sự rất đàn bà trong xã hội hiện đại. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: "Tác giả thể hiện một cách cảm rất riêng về đời sống. Chị viết về tình mẫu tử, tình yêu, những suy ngẫm đời sống trên một nền chung là nỗi buồn thế sự". Tâm sự của tác giả được thể hiện bằng những động từ mạnh: "Gió và sự nghiệt ngã của số phận sộc vào/ Lôi cả hai ta vào tâm bão" (Bão).

Những cảm xúc trong Viết cho bày gấu con ngày bệnh cũng chính là tình cảm của tác giả dành cho những đứa con khi vào viện đấu tranh với tử thần. Chị viết những dòng thơ xúc động về tình mẫu tử: "Mẹ không sợ cái chết/ Đó có thể sẽ là nơi an bình nhất/ Mẹ có thể nghỉ ngơi.../ Nhưng ai sẽ chăm lo cho các thiên thần của mẹ đây/ nếu mẹ chẳng còn có trên đời".

Đoàn Ngọc Thu thể hiện cái nhìn về đời sống xã hội trong thơ: "Buồn vì họ không còn nông nổi/ Những tình nhân 8x, 9x/ Yêu và nốc whisky trên sàn nhảy/ Yêu và thuê nhà nghỉ ngủ tập thể/ Lắc và clip.../ Buồn vì họ quá nhiều toan tính..." (Vọng Lý Mạc Sầu).

Không có những cảm xúc bồng bột trong Vé một lượt, tập thơ là sự chín chắn của người phụ nữ từng trải. Như trong Tứ tấu vô đề có viết: "Chả còn sen hạ Tây hồ nữa đâu/ Vờ lòng với sắc trắng quỳ hoa ngày bão/ Mưa tầm tã cho mùa sang buồn bã/ Lối Thu đi, mưa ướt hết Thu rồi".

Khi buồn bã nhất, người phụ nữ từng trải vẫn tin vào tình yêu: "Những lọc lừa đã qua/ Em chỉ giữ cho mình/ Giọng anh tê khàn khi gọi tên em/ Giọt nước mắt chúng mình hòa vào nhau/ Tay đặt trong tay cùng qua gian khó" (Tự ngẫu).

body-Ve-mot-luot-2594-1400323311.jpg

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu (ngồi) trong buổi giới thiệu tập thơ Vé một lượt.

Nhà phê bình Văn Giá cho rằng các vùng thẩm mỹ trong thơ Đoàn Ngọc Thu đa dạng. "Chị viết những suy ngẫm về đời sống, thế cuộc, về tình yêu, tình mẹ... Điều đó cho thấy nguồn cảm hứng đánh thức tâm hồn chị dồi dào, tạo nên trữ lượng lớn cho thơ" - nhà phê bình Văn Giá nhận xét. Ông cũng đánh giá thơ Đoàn Ngọc Thu là sự chung sống của các đối cực: "Thơ của chị có sự chung sống của các đối cực. Có thể tìm thấy những hạnh phúc, tuyệt vọng, khổ đau, rùng rợn, hay mượt mà, gai góc... Ở đối cực nào những cảm xúc ấy cũng được đẩy lên đến tận cùng tạo sự ám ảnh với người đọc. Điều đó khơi sâu vào bản ngã của một người phụ nữ sống kỹ lưỡng, hết mình với những người xung quanh, những thế sự, và với chính bản thân mình". 

Thơ Đoàn Ngọc Thu viết về nhiều vấn đề, tình cảm của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại, nhưng những bài thơ hay nhất viết về tình yêu. Nhà thơ Hữu Việt nhận xét: "Vé một lượt không mạnh về câu chữ, nhưng lập tứ rất hay, nhất là những tứ về tình yêu". Còn Nguyễn Thị Minh Thái thì nói: "Khi đọc Vé một lượt, tôi bị rụng rời đầu đốt. Cảm xúc chung của thi sĩ trong tập thơ này chính là cuộc đời người phụ nữ. Cả cuộc đời và trong tình yêu của người phụ nữ là một chuyến đi, chỉ cần vé một lượt thôi, một đi không trở lại". Chính vì thế, trong thơ Đoàn Ngọc Thu bắt gặp những cảm xúc sống hết mình cho tình yêu, có bao nhiêu dốc hết cho cuộc tình, dù biết cuộc tình ấy không trở lại.

Nhận xét chung về Vé một lượt, nhà phê bình Văn Giá nói: "Tôi chỉ mới đọc qua một lượt, nhưng có thể thấy đây là một tập thơ thành công, có ấn tượng trong nền thơ ca hôm nay".

An Hạ

, ,

Previous
Next Post »