Doanh nghiệp sợ bị thâu tóm nếu nới room cho khối ngoại

Doanh nghiệp sợ bị thâu tóm nếu nới room cho khối ngoại

Doanh nghiệp sợ bị thâu tóm nếu nới room cho khối ngoại Nhiều doanh nghiệp không phản đối việc nới room để thu hút dòng vốn ngoại, nhưng vẫn lo bị thâu tóm nếu để nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 60% cổ phần.

Nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 60% tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là đề xuất mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra bàn bạc từ nhiều tháng nay. Thế nhưng, tới nay đề xuất vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xem xét, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang sửa Luật Doanh nghiệp, làm mới quy định về ngành nghề hạn chế đầu tư. 

Trên thị trường, ngoài sự "sốt ruột" của khối ngoại, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng đang nóng lòng chờ đợi quyết định từ phía cơ quan Nhà nước. Tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp đã sẵn sàng mở room" sáng 17/6 ở TP HCM, bà Nguyễn Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) cho biết, doanh nghiệp luôn sẵn sàng nới room cho khối ngoại. Tuy nhiên, công ty chỉ quan tâm những nhà đầu tư có tầm nhìn, sẵn sàng chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển chứ không hài lòng với những nhà đầu tư chỉ mong thâu tóm công ty.

"Chúng tôi không phản đối việc nới room cho khối ngoại 60% hay 100%, nhưng mong muốn mình luôn là công ty Việt Nam chứ không phải công ty thuộc quyền sở hữu của nước ngoài. Cho nên tôi nghĩ khi ra quy định  mới, cơ quan chức năng nên trao thêm quyền quyết định cho doanh nghiệp. Bởi, chính doanh nghiệp mới hiểu họ muốn gì", Bà Thanh nói.

Room-1-JPG-7708-1403000147.jpg

Doanh nghiệp vẫn còn thận trọng trong việc nới room. Ảnh: Huy Hoàng

Cũng với tâm thế khá thận trọng, bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Traphaco cho rằng, việc kêu gọi đầu tư nước ngoài là cần thiết, tuy nhiên nên thận trọng với một số ngành kinh doanh liên quan đến an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Trong đó, dược phẩm cũng là một ngành đặc biệt quan trọng.

Bởi lẽ, thông thường các tổ chức ngoại khi đầu tư, họ đầu tư trên quy mô rộng chứ không nhỏ lẻ. Họ tìm kiếm những doanh nghiệp kinh doanh tốt, kênh phân phối lớn để khi liên doanh liên kết, các tổ chức này dùng công ty Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời sử dụng hình thức chuyển giá để tạo lợi nhuận ở nước ngoài. Như vậy, vô hình chung công ty Việt thuộc sở hữu của nước ngoài, họ có thể thay đổi chiến lược công ty bất cứ khi nào có thể. Cho nên khi nới room, cơ quan quản lý nên xem xét kỹ hơn đối với những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đặc biệt.

Có chút đồng tình với quan điểm của bà Thuận, nhưng không quá dè chừng, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh lại rất sẵn sàng chào đón nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho biết nếu Ủy ban chứng khoán cho nới room 100%, ông vẫn chấp nhận vì đặc thù ngành nhựa rất cần những nhà đầu tư ngoại lớn.

"Chúng tôi không nghĩ mình sẽ bị thâu tóm. Một nhà đầu tư khi bỏ tiền đầu tư, luôn mong kiếm lại gấp đôi số đó chứ không ai muốn mất trắng. Do vậy, khi quy định nới room được thông qua tôi nghĩ công ty sẽ có những đối tác chiến lược tốt để cùng công ty mở rộng thị phần, xây dựng thêm nhà máy sản xuất để tăng năng suất và lợi nhuận", ông Doanh cho hay.

Đồng tình với quan điểm của ông Doanh, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ đầu tư VinaCapital cũng rất sẵn sàng cho việc nới room. Bởi lẽ, đại diện này cho rằng thị trường chứng khoán Việt đang trong giai đoạn chững lại, nếu không có sự tác động của khối ngoại thì thanh khoản sẽ khó cải thiện. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước lại chỉ quan tâm đến vàng và USD. Do vậy, nới room là cơ hội để dòng tiền nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Đưa ra đánh giá về đề xuất nới room cho khối ngoại, bà Trần Thị Anh Đào, Phó giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) cho rằng, việc này sẽ giúp thị trường chứng khoán khởi sắc, thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp cũng nên thân trọng, cần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đúng đắn. Mặt khác, để tránh kinh doanh thụt lùi, doanh nghiệp cần phải mạnh từ nội lực bên trong. Hiện các Sở giao dịch cũng như Ủy ban chứng khoán đang nghiên cứu và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất cho doanh nghiệp.

Hồng Châu

, ,

Previous
Next Post »